0

Traveloka VN

01 Dec 2018 - 8 min read

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Tháng 12 âm lịch – hay thường được gọi là tháng Chạp, là thời gian mọi người chuẩn bị kết thúc năm cũ, vun vén chuyện nhà cửa để đón năm mới. Cùng Traveloka điểm qua những lễ hội truyền thống Việt Nam từ khắp các miền đất nước trong tháng cuối cùng trước khi đón Tết Nguyên Đán nhé!

1. Hội làng Cốc – tỉnh Quảng Ninh – 4, 5/12AL

Hội làng Cốc là một lễ hội lớn trong năm của người dân nơi đây, nhằm suy tôn Càn Nương Đức Thánh, thường được tổ chức vào ngày 4, ngày 5 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm tại Đình Phong Cốc nằm ở trung tâm xã Phong Cốc, đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, cách bến phà Chanh khoảng 5 cây số.

Theo thứ tự thì ngày 4 làng sẽ là ngày làng cúng yết Thần Hoàng và Thần Nông, đồng thời triển khai các công tác chuẩn bị cho lễ tế và hoạt động lễ hội của những ngày tiếp theo.

Ngày 5 được gọi là ngày Đại Đám, làng tổ chức rước Thần từ Miếu Cốc về Đình Cốc để tế yên vị và mở hội cho mọi người dân trong làng xã và khách thập phương. Lễ rước diễn ra long trọng và trang nghiêm, với đoàn rước thần gồm có: người khênh chiêng, trống đi trước, tiếp sau là đoàn rước cờ thần (cờ ngũ phương) và hai hàng chấp kích, bát bửu. Hai hàng người đội lễ vật là hoa quả, bánh, rượu, lợn quay của làng, lợn sống đã làm thịt của người vào đám đi sau, liền tiếp đôi ngựa bạch bằng gỗ có bánh xe, kiệu long đình rước hộp sắc. Kiệu bát cống chính là kiệu dùng để rước Càn Nương Đức Thánh đi trước, sau cùng là các quan viên đoàn tế và nhân dân rước Thần.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Lễ rước hội làng Cốc @internet

Đến ngày 6 là ngày đại tế Thần Hoàng và Thần Nông, lễ vật có 9 lợn (mỗi xóm góp một lợn). Ngày 7 sẽ có lễ rước Thần từ Đình Cốc về Miếu Cốc, lễ hội lúc này mới chính thức kết thúc.

2. Hội thôn Cổ Lễ - tỉnh Hưng Yên – 10/12AL

Hội thôn Cổ Lễ diễn ra vào ngày 10 tháng Chạp hàng năm tại thôn Cổ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đây là hội lễ suy tôn Thành hoàng làng là ba vị công thần (Tuấn, Chiêu, Minh) thời Hùng Duệ Vương đã có công đánh Thục và bảo vệ đất vùng.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Hội thôn Cổ Lễ. @Internet

3. Hội Nghinh Cá Ông – tỉnh Khánh Hòa – 15/12AL

Hội Nghinh Cá Ông (hay còn gọi là lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh ông Thuỷ tướng…) chính là một nghi lễ trang nghiêm và có ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn với các ngư dân vùng ven biển. Ngày 15 tháng Chạp hàng năm chính là ngày cử hành lễ cầu ngư của các ngư dân địa phương tỉnh Khánh Hòa, với nhiều nghi lễ và sự chuẩn bị tỉ mỉ, công phu.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Người dân địa phương nô nức tham dự lễ cầu ngư tại Khánh Hòa @baokhanhhoa

Nghi thức lễ tế diễn ra trang trọng với các phần lễ rước theo nghi thức truyền thống như: Lễ Rước sắc, lễ Nghinh Ông, lễ Tế chánh, lễ Tôn vương, lễ Tống na…

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Lễ tế diễn ra đền với những nghi thức truyền thống @baokhanhhoa

Sau lễ tế chính là nghi thức ra khơi nghinh Ông với hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Ghe chính với những người trên thuyền đều mặc binh phục, theo sau là các ghe chở bà con ngư dân @baokhanhhoa

Hò bá trạo vừa là một nghi thức tế nhưng cũng vừa là một hình loại hình diễn xướng đặc trưng trong hội lễ, diễn tả tinh thần đoàn kết vượt qua sóng dữ của ngư dân, mang về mùa cá bội thu.

Đây vừa là một hoạt động thờ cúng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, vừa là một dịp hội để bà con vui chơi. Đồng thời, Hội Nghinh Ông ở Khánh Hòa cũng chính là một điểm nhấn du lịch, một sự kiện được mong đợi trong năm của tỉnh, thu hút rất nhiều lượt du khách đến tham dự.

4. Lễ giỗ Tứ Kiệt – tỉnh Tiền Giang – 25/12AL

Ngày 25 tháng 12 âm lịch hàng năm, tại Lăng Tứ Kiệt (đường 30/4, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sẽ diễn ra lễ giỗ 4 vị anh hùng (hay còn gọi là Lễ giỗ Tứ Kiệt): Nguyễn Thanh Long, Trần Công Thận, Trương Văn Rộng, Ngô Tấn Ðước hy sinh khi đang chống Pháp. Vào những năm chẵn, lễ giỗ được tổ chức long trọng hơn và có sự tham gia của các sở ban ngành, với đầy đủ các nghi thức cúng lễ long trọng và trang nghiêm.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Lăng thờ Tứ Kiệt @internet

Bốn ông hy sinh vào năm 1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh ngọ), sau một thời gian dài lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, tạo ra sự khiếp sợ cho quân địch chỉ bằng những vũ khí thô sơ như gậy gộc.

Lễ giỗ Tứ Kiệt được người dân cử hành trọng thể, dần trở thành một ngày lễ lớn đối với địa phương. Ngày nay, lễ giỗ không chỉ thân thuộc với người dân tỉnh Tiền Giang, mà du khách thập phương, đặc biệt là các tỉnh phụ cận, Tp.HCM về tham dự cũng rất đông. Trong lễ giỗ, mọi người sẽ được chứng kiến các nghi thức cúng tế trọng thể như lễ cúng Thành Hoàng, được ôn lại những chuyện sử xưa…

5. Hội Đình Mai – Hà Nội – 20/12AL

Hội Đình Mai được tổ chức vào những ngày cận Tết, thế nhưng không vì vậy mà vắng người tham dự hoặc dần bị lãng quên; không những vậy, nó còn được xem là một lễ hội lớn của người dân địa phương nơi đây. Hội Đình Mai vẫn luôn được tổ chức hàng năm vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch, tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Hội Đình Mai vẫn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, dù thời gian diễn ra cận Tết @internet

Ngày hội là dịp suy tôn Hà Khôi đại vương, người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc cát cứ vùng Thanh Oai (vào thế kỷ X). Bên cạnh các nghi thức lễ tế thần được cử trọng nghiêm trang, Hội Đình Mai còn có phần “hội” với các trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà.

6. Đêm đón Giao thừa – 30/12AL

Có lẽ sẽ là thiếu sót rất lớn khi không nhắc đến tục đón Tết tháng Chạp với đêm 30 là đêm đón giao thừa (hay còn gọi là đêm trừ tịch). Trước đó, không khí Tết có lẽ kéo về từ trưa 23, sau khi mọi nhà hoàn tất lễ đưa ông Táo về trời.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Lễ đưa ông Táo về trời với tục thả cá chép truyền thống @vietq

Đến ngày 25, mỗi nhà đều làm mâm cơm cúng gia tiên, mời ông bà tổ tiên về nhà. Mọi người thường gọi ngày 25 là ngày cúng ông bà, vì theo quan niệm dân gian, ngày 25 tháng chạp chính là lúc những người quá cố trở về cõi trên.

Đêm 30 sẽ là lúc các gia đình bày mâm cúng ngoài sân (hoặc trước cửa) cúng Giao Thừa trước thời khắc chuyển giao sang năm mới. Mâm cúng thường là trái cây (mâm ngũ quả), xôi gà, rượu, trà… cùng giấy tiền vàng mã, 9 ngọn nến hoặc đèn dầu.

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Mâm cúng giao thừa @internet

Ngày nay, vào đêm giao thừa, nếu gia đình bạn không quây quần chúc tết ngay mà chờ đến sáng mùng 1 đông đủ, các bạn có thể lựa chọn đi chùa cầu an, xin lộc vào đem giao thừa, hẹn với bạn bè đi ngắm pháo hoa, được người quen mời xông đất…

Tháng 12 âm lịch lên lịch với những lễ hội truyền thống Việt Nam nào?

Đi ngắm pháo hoa vào đêm giao thừa @baomoi

Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký