0

Traveloka VN

25 Sep 2017 - 14 min read

Hà Giang: Miền đất đậm chất tình làm si mê bao kẻ lang thang

Hà bảo: "Đã bốn lần tới Hà Giang, nhưng lần nào cảm giác cũng hứng khởi như lần đầu, tha thiết tìm hiểu, tha thiết mơ mộng". Vùng đất nơi đây mang đậm chất tình đến mức làm si mê bất cứ kẻ lang thang nào, cho dù là khó tính nhất. Khi còn vài ngày nữa là hết dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, nó thì thầm qua video bảo “Tớ nhớ Hà Giang”, thế là hai đứa dắt díu balo hẹn nhau hôm sau lên Hà Nội, bắt chuyến xe đêm đi Hà Giang lúc 9 giờ tối.

Những con đèo vắt ngang qua lưng chừng núi

Hơn bảy tiếng đồng hồ trên xe khách giường nằm, đến Hà Giang lúc trời tờ mờ sáng. Hai đứa liên hệ nhà chị Giang Sơn ở cách bến xe tầm 50 m để thuê xe, nhà chị là địa chỉ homestay cũng như cho thuê xe máy khá uy tín, chị lại còn cực kì vui tính, chỉ dẫn tận tình và tặng kèm cả một bản đồ lịch trình đi Hà Giang từ Đồng Văn qua Mèo Vạc.
Sau khi check-in và thuê xe xong, bọn mình ghé luôn quán cháo ngay gần đó ăn món đặc sản nơi đây là “cháo ấu tẩu”. Nói vui thì đến đây mà không thử món này coi như chưa biết Hà Giang, cháo có mùi thơm, dẻo của gạo nếp nướng, ấu tẩu có vị bùi bùi, đăng đắng, được chế biến qua bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, từ một thứ coi như độc dược trở thành một món ăn mang đậm chất vùng miền, và cuối cùng là vị ngậy của chân giò. Ta có thể ăn kèm với giấm măng ớt, ăn khá là lạ miệng.

Hoa mận trắng xóa đường đi

No bụng rồi, bắt đầu cuộc hành trình khám phá Hà Giang thôi nào!

Hành trình TP. Hà Giang - Quản Bạ - Phố Cáo - Sủng Là - Cột cờ Lũng Cú - Cao nguyên đá Đồng Văn

Cổng trời Quản Bạ cách Thành phố Hà Giang chừng 50 km, là cửa ngõ đầu tiên dẫn vào cao nguyên đá Đồng Văn. Hai đứa bon bon xe đi qua đèo, đến nơi, may mắn thay là cây đào to bự ngay sân vẫn còn sum suê hoa, ôi, cảm giác Tết vẫn còn vương trên cánh hoa vậy. Khách du lịch người xuýt xoa, người chụp ảnh, người thì gom những cánh đào phai rơi dưới đất để ngắm nhìn và cảm nhận.

Hoa đào nở rộ ở Quản Bạ, bên cạnh là đường đi lên phía Cổng trời

Leo bộ lên khá cao để đến điểm cao nhất của Cổng trời, từ điểm này, bạn có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Quản Bạ, nổi bật lên là núi đôi Quản Bạ (hay còn gọi là núi đôi Cô Tiên) căng tràn nhựa sống. Rời Quản Bạ, hai đứa tiếp tục cuộc hành trình kế tiếp đến rừng thông Yên Minh. Trên đường đi có ghé qua một ngôi làng nhỏ, là chỗ ở của vài hộ dân, nhà trình tường, lợp ngói âm dương đúng đặc trưng nơi đây mà mình đã từng đọc qua. Xin phép anh chủ nhà để hai đứa được chụp ảnh, anh cười gật đầu đồng ý, rồi lại quay đi chẻ củi, mặc hai đứa chụp hình.

Mấy đứa trẻ ở ngôi làng, có lẽ vì ít tiếp xúc với người Kinh nên hầu hết đều ngại ngùng với ống kính.

Ngôi nhà xinh xinh, có một bàn máy may trước cửa, vài vật dụng và đống củi khô bên ngoài, cứ như tất cả bình yên được gom lại ở chính nơi này vậy.

Bình yên

Chào anh chủ nhà và mấy đứa nhỏ, hai bọn mình chạy thẳng đến Yên Minh để ăn trưa và lên thăm khu rừng thông để chụp vài kiểu ảnh lưu giữ. Đường đi Yên Minh yên bình, hai bên là rừng thông, đi qua mà tâm trạng cứ muốn hát vài bài ca nhẹ nhàng, rồi lắc lư cái đầu theo nhạc.
Điểm đến tiếp theo ở trong sơ đồ hướng dẫn của chị Giang đó là Phố Cáo và Sủng Là.

Không khí Tết của người dân Phố Cáo

Tường rào đá

Đọc trong "Thương nhớ Đồng Văn" có câu “Nếu có một nỗi nhớ, em có nhớ Sủng Là” mà đâm ra thơ thẩn. Vì gì ư? Vì địa danh này đúng là tình từ cái tên cho đến cảnh vật, không hổ danh là bông hoa rừng giữa cao nguyên đá.

Một góc Sủng Là nhìn từ trên cao xuống

Đặc trưng của Hà Giang là những khúc đường quanh co đẹp đến nao lòng

Không biết có phải may mắn đi vào thời điểm này, được thời tiết ủng hộ không mà mặc dù mùa Tam Giác Mạch đã qua, đến chỉ còn trơ trụi gốc nhưng bù lại có thể ngắm được cả cải vàng, cải trắng trên đường đi khi mà mùa hoa đã kết thúc từ tháng mười hai.
Ghé qua nhà của Pao, ngôi nhà nổi tiếng với kiến trúc của người Mông xưa có tuổi đời hơn trăm tuổi, rêu xanh phủ kín lớp ngói âm dương, nhưng tường đất và hàng rào đá vẫn nguyên vẹn, chẳng trách là nơi được chọn để thực hiện bối cảnh bộ phim giàu chất thơ nhưng đậm chất tình “Nhà của Pao”.

Nhìn toàn cảnh phía trước "Nhà của Pao"

Cận cảnh cửa gỗ và một vài chi tiết của ngôi nhà cổ trong phim "Nhà của Pao"

Cột cờ Lũng Cú là điểm đi tiếp theo của hai đứa. Nơi đây thu hút lượng khách du lịch rất đông, sau khi gửi xe thì bọn mình mua vé và bắt đầu leo cầu thang lên trên đó ngắm cảnh. Kể ra cũng đi qua được kha khá nơi rồi, trước khi tìm địa điểm nghỉ, bọn mình quyết định đi check mốc 426 chứ không check 428, nơi phân chia ranh giới nước ta với Trung Quốc. Đây là cột mốc đánh dấu phần lãnh thổ vươn xa nhất về phía bắc của Tổ quốc.
Đến Đồng Văn lúc trời chập choạng tối, hai đứa quyết định nghỉ tại đây để đi ăn lẩu dê, dạo phố cổ và uống dê ở quán Phố cổ Đồng Văn.

Kinh nghiệm du lịch Hà Giang: Miền đất đậm chất tình làm si mê bao kẻ lang thang

Chiếc xe máy "cổ" lưu giữ bao kỉ niệm

Hành trình Mã Pí Lèng - Xín Cái - Sơn Vĩ - Mèo Vạc - Du Già - TP. Hà Giang

Sang sáng ngày thứ ba, hai đứa dậy sớm chuẩn bị đồ, mua ít đồ ăn sáng rồi đi về Mèo Vạc, chỉnh phục đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Mã Pí Lèng dài khoảng 20 km nằm trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc cùng với Khau Phạ, Ô Quy Hồ và đèo Pha Đin. Đèo cao với những khúc cua huyền thoại và cực kì hùng vĩ với một bên là núi đá cao dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, xung quanh núi non trùng trùng điệp điệp.

Từ đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống là những dãy núi trùng trùng điệp điệp

Trên đường đi Mèo Vạc, đến ngã ba Pả Vi đi sâu vào mấy chục km là đường đi Xín Cái. Đường chênh vênh, cao ngất. Quay lại nhìn đèo Mã Pí Lèng như sợi dây thừng vắt ngang qua lưng chừng núi. Đến Xín Cái, có bảng chỉ đi Sơn Vĩ. Hà bảo nghe nói có con đường tắt đi ngang từ đây đến chợ tình Khâu Vai nhưng rất khó để tìm đường.
Vì Tết nơi đây vẫn còn, nên bà con bên này vẫn xúng xính áo quần đẹp, những bộ tranh phục truyền thống xanh đỏ đặc trưng được gắn thêm chuông bạc, đi qua cứ leng keng. Họ đi thăm thú và tham gia vào mấy khu chợ Tết ven đường, rôm rả trò chuyện cùng nhau. Giáp ranh bên cạnh Sơn Vĩ là con đường của Trung Quốc. Đứng bên này lâu lâu còn nghe rõ tiếng nổ pháo ăn mừng Tết của bên đó.

Hai mẹ con người Mông ngồi trên đèo Mã Pí Lèng ngắm cảnh

Lâu lâu trên đường, mình được chính mắt trông thấy tục bắt vợ của người Mông. Dẫu biết đây là tục lệ xa xưa, nhưng nhìn mấy cô bé còn trẻ măng bị mấy anh trai bản bắt đi, nước mắt giàn giụa, cố gắng thoát ra thì chỉ mong sao người dân có thể hiểu ra được tảo hôn là sai và chính quyền có thể can thiệp được.

Đường xuống sông Nho Quế đi từ Sơn Vĩ

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng mình lần đường đi xuống bờ sông Nho Quế để nghỉ và ăn trưa. Đoạn đường khá dài, đường lại xấu vì là đường đi rừng của người dân tộc, có những đoạn khó đi đến nỗi mà mình phải nhảy xuống để giúp bạn trai đẩy xe, lách đường trong khi ngay bên dưới là vực. Tìm được chỗ khá lí tưởng ngay gần bờ sông, có một con suối nhỏ, đằng xa có mấy đứa trẻ đang tắm, cả hai quyết định sẽ nghỉ tại đây.
Tài sản bây giờ của hai đứa chỉ còn lại ít nước, gói mì, mấy quả trứng và ít bánh kẹo đi đường. Đem ra ăn và chia cho mấy đứa trẻ con rồi đi kiếm củi để nướng trứng và đun nước. Mấy đứa đang ăn, thấy mình loay hay kiếm củi cũng lon ton chạy ra kiếm cùng. Tuy là sai đường, biết rằng đoạn đường tí nữa đi về sẽ rất khó khăn, nhưng cảm thấy cực kì vui. Đây đúng là trải nghiệm hay ho nhất trong những chuyến đi mà mình từng được thử.

Mấy đứa trẻ con giúp tụi mình kiếm củi để nướng đồ

Ăn uống no say xong, hai đứa bắt đầu nghĩ cách đi lên. Có lúc đoạn đường khó, mình còn nghĩ đến trường hợp chắc phải xin tá túc nhà nào một đêm rồi sáng sớm hôm sau đi sớm nhưng may mắn là đã lên được và theo chân một anh người bản đi chở tre để về Mèo Vạc.
Đến vào đúng mùa lễ hội Văn Hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc, buổi sáng trước khi về, hai đứa tranh thủ ra thăm quan một vòng, ăn thử “phá lấu”, món ăn là lạ được nấu từ nội tạng của bò, ngựa,.. ăn kèm với mèn mén (ngô xay) và đậu nấu chua. Sau đó còn ra tham gia các trò chơi dân tộc với người dân địa phương như ném còn, thổi khèn, thử xay mèn mén,..

Người đàn ông dân tộc Mông chuẩn bị tham gia múa khèn ở lễ hội

Theo lời giới thiệu của một anh bạn, chúng mình tìm đến địa chỉ homestay Ong Vàng Mèo Vạc ở Chúng Pủa để nghỉ lại ở đêm thứ ba. Đây là khu homestay mới và chưa được nhiều người biết đến, thiết kế khá lạ mắt theo hình tổ ong, được sơn màu sắc nhìn rất bắt mắt. Anh chị chủ nhà cũng thân thiện mời hai đứa vào ăn cơm cùng gia đình, ngồi nói chuyện rôm rả, giúp hai đứa biết thêm về nhiều điều từ mảnh đất này.

Mọi người tham gia Lễ hội văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc

Sắp xếp hành lý về TP. Hà Giang để kịp chuyến xe tối, bọn mình đi qua Du Già và ăn trưa ở đó. Đường đi nơi đây vẫn là những khúc cua tay áo, vẫn là con sông Nho Quế xanh ngắt bên dưới, lâu lâu bắt gặp ven đường vài cây mận nở sớm trắng xóa, hay những ngôi nhà vách đất với hàng rào tường đá đặc trưng. Đó là tất cả những thứ mộng mơ mà Hà Giang vốn dĩ có.

Toàn cảnh Du Già nhìn từ trên cao

Kết thúc chuyến đi, lên chuyến xe 8 giờ tối về Hà Nội mà lòng vẫn cứ thổn thức về những trải nghiệm tại đây mấy ngày. Hẹn Hà Giang một ngày đẹp trời nào đó, mình sẽ lại trở lại, đem theo tất cả nỗi nhớ về vùng đất này.

Một số lưu ý trên hành trình

Nên chú ý đổ xăng ở Yên Minh vì đường đi lên dốc khá nhiều và đoạn này không tìm được cây xăng nào cả (nên để ý xăng trước khi lên đèo)
Khu vực Mã Pí Lèng có mỏm đá cao để chụp hình nhưng rất nguy hiểm và có đặt biển cấm, các bạn không nên liều lĩnh để đứng chụp.
Địa chỉ thuê xe máy: Giang Sơn: 0988 470 863 (homestay)
Địa chỉ liên hệ Homestay Hà Giang :
Đường đi Sơn Vĩ song song với Trung Quốc, các bạn nên chú ý đi và để ý đường, khu vực này người dân buôn bán pháo khá nhiều nên cần cẩn thận.Ong Vàng Hotel: Trần Phú, Thành phố Hà Giang, Hà GiangĐịa chỉ Homstay Ong Vàng Mèo Vạc: Chúng Pủa village, Mèo Vạc, Hà Giang
Điện thoại liên hệ: 098 886 18 61

Tác giả: Nguyễn Quỳnh Trang
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Tags:
du-lich-ha-giang
du-lich-trai-nghiem
ha-giang
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký