0

Traveloka VN

09 Jan 2019 - 7 min read

Đan viện Thiên An – Thánh địa tôn nghiêm ngập tràn thần khí

Lăng tẩm, Đại nội, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền,… là những địa điểm quen thuộc mà tôi có thể kể ra vanh vách mỗi khi có ai đó hỏi rằng “đến Huế thì đi đâu?”. Tự bao giờ không hay, Huế chỉ được người ta biết đến như một vùng đất của các công trình hoàng gia. Ít ai biết rằng tại xứ Kinh Đô này, thẳm trên rừng thông đồi Thiên An có một nơi mang vẻ đẹp giao thoa Đông – Tây, mà ở đó các đan sĩ hằng ngày lao động, cầu nguyện và sống đẹp lời Chúa, gọi là đan viện Thiên An.

Nếu nói ít ai biết đến đan viện Thiên An thì cũng không được đúng cho lắm. Đối với dân Huế mà nói, đường đi dễ tìm cộng thêm rừng thông lãng mạn đã khiến cho nơi này trở nên một trong những địa điểm phổ biến để có những bộ ảnh cưới “để đời”. Riêng bản thân tôi mỗi lần về thăm quê là lại dành chút thời gian đến thả hồn ở đây.

Đường đi đến đan viện Thiên An

Từ đường Minh Mạng đi lên, đâm thẳng tiếp đường Khải Định đến khi nào ở bên phải đường xuất hiện một ngã rẽ với tấm biển “Đan viện Thiên An” thì đấy chính là lối đi đến nơi tôi đang nhắc đến. Từ giây đầu tiên rẽ vào, tôi dám chắc là không ít ai bắt gặp hình ảnh rừng thông quen thuộc ở Đà Lạt, vốn dĩ rất khó tin có thể xuất hiện ở Cố Đô.

đan viện thiên an huế

Rừng thông nhìn từ phía đan viện. Lần gần nhất tôi tới đây là rừng đã có một phần bị cháy, tạo nên làm 2 màu rất lạ mắt.

Sau cung đường hơn một cây số phủ hai bên bởi rừng thông được trồng ngay lối và đều mắt chính là khu đan viện khiêm tốn mà uy nghiêm dần ló ra. Chúng tôi xếp xe gọn gàng, khóa xe cẩn thận để chuẩn bị rảo bước tận hưởng không khí nơi đây.

đan viện thiên an huế

Toàn cảnh khu đan viện nhìn từ xa.

Từ đây lên đan viện có 2 lối đi: lối đi bậc thang và lối đi dốc. Chúng tôi đi lên bằng bậc thang và xuống lại theo dốc để không bỏ phí một góc nào. Được xây từ đá trông rất mát mắt, trang trí bởi những cột đèn mang một ít hình ảnh truyền thống châu Á, những bậc cầu thang này đã bước đầu tiên gây ấn tượng mạnh cho những ai đến thăm đan viện.

đan viện thiên an huế

Những bậc thang lý tưởng cho một bộ ảnh cưới.

đan viện thiên an huế

Cầu thang thoai thoải cùng hàng cây râm mát khiến người ta khoan khoái rảo bước.

Leo hết cầu thang là đến khuôn viên chính của đan viện, gồm một khu vườn rất rộng, một nhà nguyện gắn liền với khu sinh hoạt của các đan sĩ ở phía sau. Có lần may mắn lắm nên tôi được một đan sĩ dẫn vào khu sinh hoạt tham quan. Nhưng lần này thì không được như vậy nên chúng tôi chỉ dạo quanh vườn và vào bên trong nhà nguyện một lát.

đan viện thiên an huế

Khu vườn được lát đá sạch sẽ, trồng vô số loại cây cảnh hiếm và đẹp.

đan viện thiên an huế

Tượng Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng bao phủ bởi cây cối được uốn tạo hình vòm.

đan viện thiên an huế

Thấy nhà nguyện còn khép cửa, chúng tôi tranh thủ kiếm cho mình vài tấm hình đẹp với cây cối xung quanh.

Kiến trúc của đan viện Thiên An

Lối kiến trúc và ảnh tượng trang trí bên ngoài đan viện vừa đậm chất uy nghi, đồ sộ của Thiên Chúa giáo lại vừa phảng phất nét nhẹ nhàng, thanh tao của phong cách Á Đông. Đáng chú ý nhất chính là một tòa tháp cao nằm bên phải nhà nguyện.

đan viện thiên an huế

Chính diện nhà nguyện. Những chi tiết điêu khắc rồng phượng, hoa trái xen lẫn hình ảnh của Chúa Jesus và các vị thánh.

Thoạt nhìn không khác gì mấy chùa Thiên Mụ, tòa tháp khiến không ít người thắc mắc rằng liệu đây là một ngôi chùa hay một đan viện. Chính tôi cũng không biết lí do tại sao tòa tháp lại được xây như vậy, nhưng chẳng phải đó chính là nét “có một không hai” của nơi đây sao? Tôi cho rằng, cái gì càng khó hiểu thì càng thu hút!

đan viện thiên an huế

Cận cảnh tòa tháp với phong cách kiến trúc độc đáo.

Đan viện là nơi ở dành cho những đan sĩ tu theo lối chiêm niệm (contemplative). Mỗi ngày các đan sĩ dành phần lớn thời gian đọc kinh chung và cầu nguyện theo phương pháp đặc thù. Vừa hay đến giờ các đan sĩ đọc kinh chiều, chúng tôi được mời vào trong nhà nguyện cùng với một đoàn giáo dân từ xa đến hành hương.

Bên trong nhà nguyện nhìn rất đơn giản mà không kém phần tôn nghiêm. Tượng Chúa Jesus đóng đinh trên thập giá làm từ gỗ được treo chính giữa, hai bên là hai hàng ghế dành cho các đan sĩ ngồi đọc kinh, còn phía dưới là ghế dành cho khách hành hương cùng ngồi. Mỗi hàng ghế đều có rất nhiều sách kinh phụng vụ được sắp xếp ngay ngắn.

đan viện thiên an huế

Hành lang nhà nguyện.

đan viện thiên an huế

Các đan sĩ trong giờ kinh chiều.

Nơi để tìm về tĩnh lặng

Lặng lẽ nằm giữa khu đồi vắng trên đất Huế, đan viện Thiên An là một nơi phù hợp cho những ai muốn tìm một nơi tĩnh lặng.Sau một ít phút ngồi thả mình trong giai điệu kinh chiều trầm bổng, chúng tôi rời ghế đi dạo những góc còn lại trong lúc trời còn nắng. Ở cạnh dốc đi xuống có một gian phòng bán những món đồ của các thầy tự làm. Đặc biệt, ở đây có dầu tràm, được các thầy điều chế, rất nổi tiếng về chất lượng.

đan viện thiên an huế

Tranh thủ chụp những bức hình với rừng thông trước khi rời đi.

Đan viện Thiên An vốn dĩ không phải là một địa điểm tham quan, càng không phải là một nơi để nghỉ dưỡng nhưng lại có sức hút kì lạ, khiến ai đến đây cũng giống như bước vào một không gian khác, nơi mà thời gian ngừng trôi. Đó chính là lí do mà tôi luôn thêm vào danh sách những địa điểm phải đến ở Huế kể trên một câu rằng: “Nếu có thời gian, hãy ghé đan viện Thiên An, dù bạn có tin Chúa hay không”.

Tác giả: Nguyễn Đức Lê Hoàng
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Tags:
dan-vien-thien-an
du-lich-hue
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký