0

Traveloka VN

11 Oct 2021 - 17 min read

Mùa thu Hà Giang – Hùng vĩ một cách nhẹ nhàng

Sau bao nhiêu lần đến Hà Giang, tôi vẫn thường mơ về ngày được ghé lại mảnh đất ấy để vẽ lại bản đồ phượt Hà Giang một cách thật đầy đủ. Bởi đối với tôi, Hà Giang không chỉ là nơi để ghé thăm, mà là một nơi nhất định phải quay lại. Quay lại vì đã trót lỡ yêu cảnh sắc của núi rừng, lỡ yêu những bầu trời sao nơi địa đầu tổ quốc, lỡ yêu con người khó khăn nhưng mạnh mẽ như hoa tam giác mạch mọc trên đá của nơi đây.

Hà Giang luôn là vùng đất hứa với những kẻ mê lang thang.

Ngày cô bạn Sài Gòn của tôi đáp máy bay xuống Hà Nội, gương mặt hớn hở nói rằng: “Ngoài Hà Nội ra thì cậu có 4 ngày giúp tớ yêu vùng đất phía Bắc, có ý tưởng gì không”, tôi chẳng mất đến ba giây để có được câu trả lời của mình: “Chỉ có thể là Hà Giang.” Thế là có 4 cô gái cùng hai chiếc xe máy, đã tạm biệt mùa thu Hà Nội, rong ruổi hành trình lên Hà Giang vào một ngày tháng 10!

bản đồ phượt hà giang

Hình ảnh mẹ dắt con đi qua cánh đồng tam giác mạch ở mãi trong tâm trí tôi.

Tổng quan bản đồ phượt Hà Giang

Cung đường: Hà Nội – thành phố Hà Giang – Lũng Cú – Đồng Văn – Mèo Vạc – Mậu Duệ - Du Già – thành phố Hà Giang – Hà Nội
Thời gian: 4 ngày 3 đêm
Tổng quãng đường: 1030 km
Phương tiện: Xe máy

Hẳn người ta sẽ đã nghe nhiều về mùa hoa tam giác mạch, mùa xuân đào mai nở, mùa lúa chín, mùa nước đổ khi nhắc đến Hà Giang. Nhưng chưa có một ai viết đến mùa thu ở Hà Giang như thế nào. Trong mắt 4 đứa con gái tự lái xe lên Hà Giang, mùa thu ở vùng đất ấy hiện lên đẹp yên bình và đặc biệt theo cách mà chúng tôi chưa từng đọc được ở bất kỳ đâu. Vẻ đẹp ấy vừa hùng vĩ vừa mềm mại như những con đường uốn lượn, uốn lượn mãi để rồi đi vào tận sâu trái tim chúng tôi.

Ngày 1: Hà Nội – Thành phố Hà Giang (300 km)

Chúng tôi xuất phát tại Hà Nội lúc 9 giờ, đi dọc theo quốc lộ 2 qua thành phố Việt Trì, thành phố Tuyên Quang. Cảnh sắc trên đường không có gì đặc biệt nên mọi người thống nhất không dừng nghỉ quá nhiều để kịp đến thành phố trước khi trời tối.

bản đồ phượt hà giang

Đường đến thành phố Hà Giang đẹp, dễ đi, thấp thoáng đâu đó đã có bóng núi rừng.

Đến thành phố Hà Giang lúc 15 giờ, chúng tôi check-in khách sạn và lên đường thưởng thức những đặc sản quen thuộc khi nhắc đến Hà Giang là xôi ngũ sắc và bánh thắng dền. Chỉ là những quán nhỏ ven đường nhưng hương vị rất ngon và đậm đà, xôi có 5 vị với 5 màu, ăn kèm trứng và thịt băm, mùi thơm của từng vị rất riêng biệt; bánh thắng dền dẻo và mịn, lúc ăn một vị ngọt tan vào trong miệng. Cứ thử tưởng tượng một ngày đông rét buốt mà được ăn một bát thắng dền thì thật sự không còn gì bằng.

bản đồ phượt hà giang-Bánh thắng dền-chè khoai dẻo

Bánh thắng dền và chè khoai dẻo.

bản đồ phượt hà giang-Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc.

Các cô các bác bán hàng ăn như những người hướng dẫn viên thực thụ, kể cho chúng tôi nghe sự tích và cách làm những loại đồ ăn, không quên kèm theo một câu cảm thán đầy tự hào: “Đặc sản Hà Giang đấy!”.
Đêm về thành phố Hà Giang không quá đông đúc, nhộn nhịp nhưng cũng đủ để chúng tôi không phải suy nghĩ về nơi đi. Sau khi ghé qua quảng trường, chúng tôi lại cột mốc 0 km, chạm tay vào cột mốc, ôm nhau cười rúc rích, thống nhất rằng tự mình sẽ nhớ lấy giây phút này, không cần một bức hình nào cả! Đêm ấy, có 4 cô gái đứng ở cột mốc số 0 km Hà Giang, nghe tiếng chảy róc rách của dòng sông Lô, hít đầy lồng ngực cái khí se lạnh của vùng núi, và biết rằng mình sẽ không thể nào quên khoảnh khắc ấy cho đến mãi sau này.

Ngày 2: TP. Hà Giang – Quản Bạ - Lũng Cú – Đồng Văn (185 km)

Lên đường khi trời dần hửng nắng, chúng tôi bắt đầu hành trình đến với cao nguyên đá. Những con đường dần quanh co hơn, bé hơn, dốc hơn, nhưng những ngọn núi cũng từ đấy hùng vĩ, hiên ngang hơn. Đi qua những con đèo uốn lượn, chào những em bé người Mông vẫy tay hai bên đường, cô bạn Sài Gòn của tôi phải thốt lên rằng: “Sao mà thú vị thế.” Chúng tôi ghé quán cà phê Cổng trời, từ đấy có thể nhìn thấy cổng trời Quản Bạ. Những ai đi qua nơi đây hãy thử ngồi trên cao uống cốc cà phê nóng, nhìn mây bay ngang sườn núi, để rồi bạn sẽ cảm thấy nỗi buồn nào cũng có thể trôi theo cùng gió, nhẹ nhàng và yên bình vô cùng.

bản đồ phượt hà giang

Chúng tôi dừng chân ngêu ngao hát bên đường.

Từ thành phố lên Lũng Cú có nhiều điểm dừng như “nhà của Pao”, rừng thông Yên Minh,… nhưng chúng tôi đã chọn dừng lại ở cánh đồng hoa xã Vần Chải. Những em bé đeo sẵn giỏ hoa chờ khách chụp ảnh nhưng vô cùng dễ thương và hiền lành, không hề có ý định xin hay vòi vĩnh tiền. Chúng tôi chụp ảnh, nói chuyện với các em, đùa rằng: “Phải thanh toán bao nhiêu nhỉ?” thì các em nói “Chị cho cũng được, không cho cũng được.”

bản đồ phượt hà giang-cánh đồng hoa xã Vần Chải

Những em nhỏ ở Vần Chải.

Hoa cúc cam, hoa tam giác mạch, hoa ngũ sắc đẹp thật, lãng mạn thật, nhưng đáng yêu nhất vẫn là các em bé người Mông. Chính các em đã giúp Hà Giang để lại ấn tượng tốt đẹp nhất với những người ghé thăm nơi này, bằng vẻ mộc mạc và giản dị của mình.
Đến giữa chiều, chúng tôi đến với cột cờ Lũng Cú. Dù cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3.3 km theo đường chim bay nhưng cột cờ vẫn được coi là tượng trưng cho cực Bắc tổ quốc. Với độ cao khoảng 1500 m so với nước biển, từ cột cờ có thể nhìn xuống núi non trùng điệp xen kẽ với những thửa ruộng bậc thang, còn có cả hai ao nước bên núi không bao giờ cạn, được gọi là mắt rồng.

bản đồ phượt hà giang-cột cờ Lũng Cú

Chúng tôi dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Đi qua cầu thang xoắn ốc trong thân cột cờ, chúng tôi lên đến đỉnh cột. Đứng dưới quốc kỳ tung bay trong gió, cô bạn tôi rủ rê: “Hay mình hát quốc ca đi.” Vậy là chúng tôi đã đứng dưới lá cờ 54 m2 đó, hát lên bài ca của tổ quốc mình. Có thể sau này tôi sẽ đi nhiều vùng đất đẹp, đến những nơi ý nghĩa khác, nhưng cảm giác tự hào và yêu thương đất nước lúc đó, thật khó để có thể phai nhạt trong tôi.

bản đồ phượt hà giang-cột cờ Lũng Cú

Cảm giác tự hào không thành lời.

Tạm biệt Lũng Cú, chúng tôi đến với Đồng Văn. Ấn tượng đầu khi đến với thị trấn là một khung cảnh rất nhộn nhịp và đông vui. Khách du lịch, dân địa phương rôm rả bán hàng, rảo bước trên phố. Nhưng không vì vậy mà Đồng Văn mất đi chất cổ của mình.

bản đồ phượt hà giang-đồng văn

Bên ngoài một căn nhà cổ.

bản đồ phượt hà giang-đồng văn

Tôi lưu luyến không muốn rời xa.

Chỉ cần len lỏi một chút vào sâu phố cổ, chúng tôi đã tìm được những ngôi nhà trình tường, những gian bếp nức mùi khói, mùi khoai luôn mở rộng cửa cho khách vào tham quan và tìm hiểu. Nếu có một đêm ở Đồng Văn, hãy rảo bước thật chậm dọc những ngôi nhà mái xếp, thưởng thức bánh tam giác mạch, uống một cốc cacao nóng, rồi bạn sẽ như tôi, lưu luyến không muốn rời xa nơi này.

Ngày 3: Đồng Văn – Mã Pí Lèng – Mèo Vạc – Mậu Duệ - Du Già (170 km)

Lái xe trên đèo Mã Pí Lèng là một cảm giác không thể so sánh được với việc lái xe ở bất cứ một nơi nào khác. Hẳn không phải tình cờ mà con đường trên đèo mang tên là Hạnh Phúc. Thời tiết hơi mưa, nhưng không làm chúng tôi vơi đi sự phấn khích, khi cảnh sắc dần hiện ra ngày một tráng lệ. Chúng tôi được một anh chàng bản địa kể rằng Mã Pí Lèng nghĩa là Sống mũi con ngựa theo tiếng Hán. Nhưng trong tiếng Mông thì chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh thì dốc đến mức tắt thở.

bản đồ phượt hà giang-đèo mã pí lèng

Dừng chân trên đèo.

Càng ngắm nhìn vẻ đẹp của con đèo, tôi càng biết ơn công sức hàng vạn thanh niên xung phong của 16 dân tộc, ngày ấy đã cùng hợp sức lại xây nên con đường ấy.
Từ mỗi điểm khác trên con đèo, dòng sông Nho Quế lại hiện ra với một dáng vẻ khác. Lúc thì uốn lượn như một dòng sông chocolate ẩn hiện trong mây, khi lại xanh thẳm trầm lặng dưới những hẻm vực dốc đứng. Những hình ảnh ấy về Nho Quế đưa lại cho mỗi người một cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều hòa quyện nên một vẻ riêng biệt và ấn tượng về cảnh sắc Hà Giang trong lòng mọi du khách.

bản đồ phượt hà giang-Sông Nho Quế

Dòng sông ẩn hiện giữa những làn mây và bóng núi.

bản đồ phượt hà giang-Sông Nho Quế

Sông Nho Quế từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Qua 20 km đèo Mã Pí Lèng, chúng tôi đến với Mèo Vạc. Dừng chân tại đài quan sát Mèo Vạc, tôi phóng tầm mắt xuống thị trấn nhỏ yên bình được bao bọc bởi bốn về là núi. Từ Mèo Vạc đi tiếp có hai đường, có thể đến Khau Vai nơi nổi tiếng với những vườn đá hùng vĩ và khác lạ, hoặc rẽ sang Mậu Duệ - Du Già để về lại thành phố.

bản đồ phượt hà giang-khau vai

Đài quan sát Mèo Vạc nhìn từ phía Khau Vai.

bản đồ phượt hà giang-Thị trấn Mèo Vạc

Thị trấn Mèo Vạc từ đài quan sát.

Cung đường Mậu Duệ vốn từ lâu nổi tiếng trong “giới đi bụi” vì sự hùng vĩ của những con đường uốn lượn quanh co, có những khúc rất gập ghềnh, men theo những trườn núi chênh vênh, nhưng cũng là nơi ngắm ruộng bậc thang độc đáo nhất trên cao nguyên đá. Đôi lúc trên đường chúng tôi dừng chân bên con suối nhỏ, hoặc một con dốc, nhìn ngắm những ngọn núi trùng điệp, nói đôi ba câu chuyện vu vơ, để cái nắng cái gió cao nguyên đá được xuyên qua kẽ tóc, qua làn da của mình.

bản đồ phượt hà giang-cung đường mậu duệ

Con dốc uốn lượn như một nét vẽ.

Mỗi lần đến với Hà Giang, một trong những cảm giác đặc biệt nhất đối với tôi chính là được đứng từ trên cao nhìn lại những con đường mình đã đi qua, hoặc nhìn thấy những con đường mà mình sẽ đi đến. Không một vùng đất nào có thể cho tôi cảm giác đấy nhiều như Hà Giang.

bản đồ phượt hà giang

Cô bạn tôi một lần dừng chân.

Dốc Pải Lủng, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoang, dốc Xín Cái và rất nhiều những con dốc không tên khác, khiến người ta không thể không dừng xe lại để thẫn thờ đôi phút trước vẻ đẹp của sự kết hợp giữa thiên nhiên và bàn tay con người. Và lúc ấy, ta vừa thấy tự do, tự tại, bởi tâm hồn cũng hòa quyện với vẻ đẹp ấy, nhưng cũng tự cảm thấy thật nhỏ bé trước núi rừng.

bản đồ phượt hà giang-dốc m

Dốc chữ M tại Sủng Trái.

Tôi lựa chọn xã Du Già để dừng chân bởi vì muốn tận hưởng sự yên ả và bình lặng của núi rừng trước ngày tạm biệt. Lựa chọn một homestay nhà sàn nằm giữa những cánh đồng là một quyết định sáng suốt, bởi đêm ấy Hà Giang đã tặng chúng tôi một bầu trời đầy sao. Những ngôi sao càng sáng hơn khi đêm tối hơn, như một cách vươn mình mạnh mẽ như cách bông hoa tam giác mạch và cả con người Hà Giang đang vươn lên trên miền đá.

Ngày 4: Du Già – Bắc Mê – TP. Hà Giang – Hà Nội (375 km)

Chặng Du Già – Bắc Mê là đoạn đường xấu nhất ở suốt hành trình. Chỉ gần 40 km nhưng đường đất đá và đã bị hỏng rất nhiều. Tuyến đường này thường chỉ có xe máy và hầu hết là dân bản địa đi. Chúng tôi vẫn đi bởi muốn trải nghiệm một chút cảm giác off-road mà những chàng trai cô gái dân tộc vẫn ngày ngày đi ở đây.

Có thể thêm chút mệt mỏi, chút nản lòng, nhưng để rồi khi vượt qua được, lại là một cảm giác hạnh phúc và chiến thắng. Qua được xã Bắc Mê để về thành phố đường lại rất dễ đi, vắng xe, hầu như không có xe tải.

bản đồ phượt hà giang

Hai em bé bên đường vẫy chúng tôi lại để tặng hoa.

bản đồ phượt hà giang

Bốn cô gái – trong một hành trình dài – tại một vùng đất tuyệt vời.

Trở về thành phố Hà Giang, chúng tôi ghé thăm quán cà phê Núi Cấm. Đúng như tên gọi, quán nằm trên đỉnh núi Cấm, ngắm được toàn cảnh thành phố. Thành phố Hà Giang từ trên cao nhìn rất đẹp và phát triển, uốn mình mềm mại theo dòng sông Lô, sát ngay bên những ngọn núi hùng vĩ.

bản đồ phượt hà giang

Thành phố nhìn từ núi Cấm.

bản đồ phượt hà giang

Hoàng hôn rực rỡ sau một đêm nhiều sao.

Nếu có ai đó hỏi tôi về mùa thu Hà Giang, tôi sẽ kể cho họ về những con đường, những ngọn núi, những dòng sông tuyệt đẹp và những nụ cười thân thiện nhất mà tôi đã từng thấy. Và cả những kỉ niệm tuổi trẻ cùng bạn bè tôi gửi lại nơi đây.
Một vài lưu ý cho hành trình khám phá bản đồ phượt Hà Giang:

Đường đèo núi rất hiểm trở, các bạn nên bảo dưỡng tốt xe trước khi lên đường. Và chỉ lái khi đã lái chắc tay. Các bạn cũng có thể bắt xe khách lên thành phố để thuê xe máy sẽ tiết kiệm được 600 km hành trình.
Thời tiết Hà Giang mùa thu không ổn định, mưa nắng rất bất ngờ, nên có áo mưa và áo khoác để kịp thời phản ứng.
Nên hoàn thành chặng đường trong ngày trước khi trời tối, nhất là những đoàn toàn con gái như bọn mình.
Nếu muốn nghỉ tại Du Già, nên đặt phòng trước vì không có nhiều chỗ nghỉ và giá cả đắt hơn những nơi khác một chút.

Cảm ơn Hà Giang, hẹn gặp lại. Nhất định là như thế.

Tác giả: Trần Lê Na
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Tags:
du-lich-ha-giang
ha-giang
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký